Khởi nghiệp, hoạt động, tuân thủ

Nhận tư vấn từ chuyên gia

Khái quát môi trường kinh doanh tại thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là 01 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương, có cảng biển lớn nhất ở miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm “Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước” với mục tiêu “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững”.

Mặc dù trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hải Phòng đã và đang đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2024 tăng 11,50% – 12%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng là một trong nhóm ít địa phương có mức tăng cao nhất, gần đạt mức kế hoạch cả năm.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, với quyết tâm của các cấp chính quyền, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp khá ngoạn mục ở Hải Phòng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hải Phòng 5 tháng đầu năm 2024 đạt 12,15 tỷ USD tăng 29,25% so với cùng kỳ năm ngoái, là địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 cả nước, sau TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 15,24% so với cùng kỳ, riêng trong tháng 6 tăng 17,96 % so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2024 của Hải Phòng ước đạt 50.346,8 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 62.000 tỷ đồng, tăng gần 40%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hải phòng đã giải quyết việc làm được khoảng 31.360 lượt lao động, bằng 54,16% kế hoạch năm và bằng 101,36% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy sức hút và khả năng tiềm tàng về lao động, việc làm của Hải Phòng.

I. Về tình hình đăng ký doanh nghiệp tại Hải Phòng

1. Về doanh nghiệp thành lập mới:

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng có 1.778 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 7,06% khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 2,2% cả nước) với số vốn đăng ký đạt 45.749 tỷ đồng (chiếm 15,9% khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 6,14% cả nước), tăng 2,6% về số doanh nghiệp và tăng 261,69% về số vốn so với năm 2023. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 25,73 tỷ đồng (khu vực đồng bằng Sông Hồng là 11,4 tỷ đồng, cả nước là9,24 tỷ đồng). Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tại Hải Phòng là 10.827 (chiếm 5, 13% khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 2,11% cả nước), giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2023 (Cả nước có 80.482 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 744.238  tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 511.982 người, tăng 6,07% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về số vốn và tăng 0,41% về số lao động đăng ký so với cùng kỳ năm 2023).

2. Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động:

Tại Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 847 doanh nghiệp quay lại hoạt động (chiếm 6,63%  khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 2,16% cả nước), tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2023 (Cả nước có 39.130 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là tín hiệu tích cực của riêng Hải Phòng và của cả nước trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu các hợp đồng.

3. Về doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể:

Theo số liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Hải Phòng có 1.690 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 6,76% khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 2,37% cả nước), giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2023 (cả nước có 71.356 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023); 567 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (chiếm 9,49% khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 1,97% cả nước), giảm 79,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cả nước có 28.767 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2023); và 221 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (chiếm 6,43% khu vực đồng bằng sông Hồng và chiếm 2,17% cả nước), tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2023 (cả nước có 10.193 doanh nghiệp giải thể, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023).Qua đó cho thấy mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung, thành phố đã có những giải pháp để giảm thiểu số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian, tạm ngừng hoạt động chờ giải thể nhưng vẫn tồn tại một số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.

II. Về tình hình cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh

1. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Trong năm 2023, Chỉ số PCI của Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 với 70,34 điểm, thuộc nhóm Tốt. So với các tỉnh/thành phố trên cả nước, Hải Phòng nổi trội về lĩnh vực Chi phí thời gian đạt 8,32 điểm, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,40 điểm, Đào tạo lao động đạt 7,39 điểm, Gia nhập thị trường và Thiết chế pháp lý đều đạt 7,34 điểm và Chi phí không chính thức đạt 7,01 điểm. Một số lĩnh vực hiện còn ở vị trí thấp như: Tính minh bạch 6,12 điểm, Cạnh tranh bình đẳng 6,59 điểm và Tiếp cận đất đai 6,60 điểm.

Trong những năm trở lại đây thứ hạng của Hải Phòng liên tục được cải thiện. Từ thứ 10 với 68,73 điểm (2019), thứ 7 với 69,27 điểm (năm 2020), thứ 2 với 70,61 điểm (năm 2021), thứ 3 với 70,76 điểm (năm 2022) và thứ 3 với 70,34 điểm (năm 2023).

2. Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)

Năm 2020, Hải Phòng đạt 42,11 điểm và nằm trong nhóm tỉnh có điểm số giữa mức Trung bình thấp và Trung vị.

Điểm số của Hải Phòng có sự tăng giảm qua các năm, từ năm 2019 (41,53 điểm) và năm 2020 (42,29 điểm), năm 2021 (44,00 điểm) và 2022 (43,60 điểm), năm 2023 (42,11 điểm).

3. Kiến nghị, đề xuất

Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chống chịu với tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp, thành phố cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh và cải thiện những hạn chế đang là rào cản trong thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và phát triển. Đặc biệt, với lợi thế là điểm nút quan trọng của chuỗi cung ứng hàng hóa liên quan đến vận tải nên Hải Phòng cần tận dụng lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời gian tới, kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng cần có chỉ đạo các giải pháp đảm bảo việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn nữa.

3.1. Cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

– Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 để cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của Hải Phòng. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

– Thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư.

– Xây dựng chính sách thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa để phát triển; đẩy mạnh việc xây dựng Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

– Thực hiện đơn giản hóa TTHC về đất đai và phối hợp với UBND các quận huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng khung giá đất sát với thực tế thị trường và cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhanh chóng. 

– Đẩy mạnh rà soát quy hoạch, sắp xếp, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển, khu du lịch sinh thái nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển của thành phố.

– Về cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Hải Phòng cần lưu ý để có giải pháp cải thiện điểm số một số chỉ tiêu đang có điểm số thấp như: Tính minh bạch và Tiếp cận đất đai.

– Ngoài ra, điểm số PAPI của Hải Phòng tăng không đáng kể và đang có xu hướng giảm đi trong 3 năm trở lại đây, do đó, đòi hỏi tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện thứ hạng của mình. Đặc biệt tỉnh cần tập trung cải thiện các chỉ số: Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Quản trị môi trường.

3.2. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội

– Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong nâng cấp giao thông vận tải đường bộ, đường thủy; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ như viễn thông và internet để thúc đẩy thương mại điện tử.

– Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: nâng cao chất lượng giáo dục, hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu và nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cũng như nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lao động địa phương.

– Quy hoạch khu công nghiệp và khu kinh tế: phát triển và quy hoạch các khu công nghiệp hiện đại để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

– Ưu đãi thuế: cung cấp các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp mới và các ngành công nghiệp chiến lược.

– Phát triển du lịch và dịch vụ: phát triển các điểm du lịch qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa và thiên nhiên. Đào tạo nhân lực làm việc trong ngành du lịch và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khách sạn, tour du lịch.

– Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử: hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số qua việc cung cấp các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số vào quản lý và kinh doanh. Thúc đẩy thương mại điện tử bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào nền tảng thương mại điện tử, hỗ trợ về mặt pháp lý và hạ tầng.