Hợp đồng mua bán: những điều phải đặc biệt chú ý nếu không muốn bất lợi

Lưu ý: Bài viết này có thể chưa cập nhật thông tin mới nên chỉ mang tính tham khảo. Để có thêm những thông tin cập nhật và tư vấn thực chất, vui lòng liên hệ với Lawscom để nhận tư vấn miễn phí từ luật sư. 

Nhận tư vấn từ chuyên gia

Hợp đồng mua bán: những điều phải đặc biệt chú ý nếu không muốn bất lợi

Hợp đồng mua bán là loại hợp đồng phổ biến nhất diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Hợp đồng mua bán có nhiều hình thức: bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Ví dụ thực tế, mua hàng tại siêu thị là một dạng của hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, khi tài sản trong giao dịch có giá trị lớn, việc thành lập hợp đồng bằng văn bản là điều hết sức cần thiết. Mục đích là ngăn ngừa tối đa rủi ro cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng.

Sau đây là một số điều khoản đặc biệt quan trọng trong hợp đồng mua bán.

1. Chủ thể của hợp đồng

Chủ thể của hợp đồng mua bán được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 117 BLDS 2015. Trên thực tế, khi rà soát hợp đồng, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm để xác định chủ thể của hợp đồng có đủ điều kiện ký kết hay không. Đã có những trường hợp mà người ký kết hợp đồng không đủ điều kiện để làm chủ thể trong hợp đồng, dẫn đến những thiệt hại không đáng có cho các bên tham gia.

Cần chú ý về chủ thể hợp đồng, cụ thể:

  • Đối với cá nhân: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng cá nhân dùng hành vi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015.
  • Đối với tổ chức: Tổ chức khi tham gia giao dịch dân sự phải thông qua người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì đại diện của các bên giao kết hợp đồng phải đúng thẩm quyền theo luật định.

2. Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản mà các bên muốn giao dịch với nhau. Có một số tài sản bị cấm (ma túy, vũ khí…) hoặc tài sản bị hạn chế chuyển nhượng (ngoại tệ, thuốc…), nhưng đa phần các tài sản đều được pháp luật cho phép giao dịch.

Việc mô tả tài sản là việc hết sức quan trọng. Tài sản trong hợp đồng mua bán cần phải được mô tả chi tiết bao gồm: số lượng, chất lượng, mẫu mã, thông số kỹ thuật, xuất xứ,… Nói chung, mô tả tài sản càng chi tiết thì càng hạn chế được rủi ro tiềm ẩn. Rất nhiều vụ tranh chấp diễn ra chỉ vì không mô tả rõ về tài sản, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của các bên tham gia.

3. Quyền và nghĩa vụ các bên tham gia

Đây là điều khoản phức tạp nhất trong hợp đồng mua bán. Nó có thể được chia ra thành nhiều phần, cũng có thể được gộp thành một phần, thậm chí nó còn len lỏi ở trong những điều khoản khác.

Điều khoản này thường bao gồm những cam kết chung về nghĩa vụ thực hợp đồng, nhưng ở trong thực tế, điều khoản này sẽ có cả những điều khoản phạt và những điều khoản rất “lạ”. Nếu không đọc và tìm hiểu kỹ, bạn có thể bị “rơi vào bẫy” lúc nào không hay. Vì vậy, hãy hết sức chú ý đến điều khoản này.

4. Điều khoản về giao và nhận hàng

Thông thường sẽ không có nhiều hợp đồng tách riêng phần này ra trở thành một điều khoản riêng biệt. Nhưng đối với những hợp đồng mà số lượng và giá trị tài sản cực lớn thì tốt nhất là nên có điều khoản về giao nhận hàng. Phải tuyệt đối chi tiết về địa điểm nhận giao hàng, cách thức giao nhận hàng và xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.

Một hợp đồng mua bán còn nhiều điều khoản khác và điều khoản nào cũng quan trọng, xong với kinh nghiệm của tác giả thì 4 điều khoản trên là những điều khoản mà bạn phải đặc biệt chú ý khi tham gia xác lập, hình thành hợp đồng.