Phá sản và giải thể có phải là một?

Lưu ý: Bài viết này có thể chưa cập nhật thông tin mới nên chỉ mang tính tham khảo. Để có thêm những thông tin cập nhật và tư vấn thực chất, vui lòng liên hệ với Lawscom để nhận tư vấn miễn phí từ luật sư. 

Nhận tư vấn từ chuyên gia

Phá sản và giải thể có phải là một?

Nếu chỉ xem xét về mặt hiện tượng thì phá sản và giải thể doanh nghiệp không có gì khác nhau, bởi vì cả hai thủ tục này đều dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp và phân chia tài sản còn lại cho các chủ nợ, giải quyết quyền lợi cho người làm công… Tuy nhiên, về bản chất đây là hai thủ tục pháp lý khác nhau, cụ thể khác nhau ở những nội dung sau đây:

Thứ nhất, lý do giải thể không đồng nhất đối với các loại hình doanh nghiệp và rộng hơn nhiều so với lý do phá sản.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về giải thể, khi rơi vào những trường hợp pháp luật quy định đối với loại hình doanh nghiệp đó có thể tự giải thể hoặc bị giải thể. Các trường hợp giải thể đối với mỗi một loại hình doanh nghiệp được pháp luật quy định không giống nhau mà tuỳ thuộc vào vị trí, vai trò cũng như ảnh hưởng của doanh nghiệp đó trong nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể khái quát lại rằng doanh nghiệp có thể tự chấm dứt hoạt động của mình hoặc bị bắt buộc giải thể khi: Mục tiêu đề ra không thể đạt được hoặc đã hoàn thành xong mục tiêu đó hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó, việc phá sản chỉ có thể do một nguyên nhân duy nhất gây ra, đó là mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Thứ hai, phá sản khác với giải thể ở bản chất của hai thủ tục pháp lý cũng như cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục đó.

Giải thể là một thủ tục mang tính chất hành chính, là giải pháp mang tính chất tổ chức, người chủ doanh nghiệp tự mình quyết định hoặc do cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập quyết định, còn thủ tục phá sản lại là một thủ tục tư pháp, là hoạt động do một cơ quan nhà nước duy nhất là Toà án có thẩm quyền tiến hành theo những quy định chặt chẽ của pháp luật phá sản.

Thứ ba, thủ tục giải thể và thủ tục phá sản khác nhau về hậu quả.

Giải thể bao giờ cũng dẫn đến chấm dứt hoạt động và xoá tên doanh nghiệp, hợp tác xã, trong khi đó, đối với phá sản thì không phải bao giờ cũng đem đến kết quả như vậy. Khi thủ tục phá sản được mở thì không phải bao giờ cũng dẫn đến kết cục là doanh nghiêp bị tuyên bố phá sản theo quyết định của Toà án.

Thứ tư, thái độ của Nhà nước đối với chủ sở hữu hay người quản lý, điều hành cơ sở sản xuất kinh doanh trong hai trường hợp trên cũng có sự phân biệt. Chẳng hạn, pháp luật nhiều nước quy định cấm chủ sở hữu bị phá sản không được hành nghề trong một thời gian nhất định. Còn trong trường hợp giải thể, vấn đề hạn chế quyền tự do kinh doanh này không được đặt ra.