Khởi nghiệp, hoạt động, tuân thủ

Nhận tư vấn từ chuyên gia

Các trường hợp doanh nghiệp có thể bị khóa mã số thuế

Khoá mã số thuế là khi cơ quan thuế tạm thời dừng cho một công ty dùng mã số thuế của họ. Điều này thường xảy ra khi doanh nghiệp vi phạm các quy định về thuế hoặc luật kinh doanh.
Các trường hợp doanh nghiệp có thể bị khóa mã số thuế

6 trường hợp doanh nghiệp có thể bị khóa mã số thuế

Khi doanh nghiệp có các vi phạm thuộc 6 trường hợp sau đây, doanh nghiệp có khả năng bị khóa mã số thuế, đó là:

  1. Doanh nghiệp KHÔNG hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh: cán bộ thuế đến kiểm tra trụ sở công ty nhưng không thấy biển hiệu hoặc không có dấu hiệu hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.
  2. Doanh nghiệp KHÔNG nộp tờ khai thuế trong một hoặc nhiều kỳ liên tiếp.
  3. Doanh nghiệp KHÔNG nộp tiền thuế khi có phát sinh quá hạn và bị cưỡng chế.
  4. Doanh nghiệp có các hành vi thuộc diện phân loại là doanh nghiệp có RỦI RO CAO về thuế.
  5. Doanh nghiệp KHÔNG phản hồi thông báo của cơ quan thuế về các vấn đề trên khi đã nhận được thông báo từ cơ quan thuế nhiều lần.
  6. Doanh nghiệp các hành vi khác vi phạm pháp luật về thuế.

Hậu quả khi doanh nghiệp bị khóa mã số thuế

Doanh nghiệp không thực hiện được 3 công việc sau đây khi mã số thuế bị khóa:

  1. KHÔNG xuất được hoá đơn;
  2. KHÔNG nộp được tờ khai trên trang thuế điện tử như: báo cáo thuế, báo cáo tài chính, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn,…
  3. KHÔNG thực hiện được việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh: thay đổi vốn điều lệ, thay đổi địa chỉ trụ sở chính, thay đổi đại diện pháp luật…

Mặc khác, các đối tác của bạn sẽ không giao dịch kinh tế với doanh nghiệp đã bị khóa mã số thuế. Do vậy doanh nghiệp bị khóa mã số thuế gần như sẽ không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Tất cả các hậu quả trên khi không được doanh nghiệp xử lý kịp thời sẽ có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng hơn.

Làm gì để tránh bị khóa mã số thuế?

Để tránh không bị khoá mã số thuế, doanh nghiệp của bạn cần:

  1. Tuân thủ mọi luật liên quan đến việc kinh doanh của mình.
  2. Đặt biển hiệu công ty ở nơi bạn đã đăng ký hoạt động kinh doanh.
  3. Có hoạt động thực chất tại nơi đăng ký kinh doanh.
  4. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kế toán thuế: kê khai, nộp thuế, trả lời công văn của cơ quan quản lý thuế đầy đủ và đúng hạn. 
  5. Cập nhật đúng thông tin của công ty như địa chỉ, số điện thoại, và email được cập nhật để cơ quan thuế có thể liên lạc với bạn một cách nhanh chóng.
  6. Định kỳ rà soát tình trạng tuân thủ của doanh nghiệp để tránh bị xếp loại doanh nghiệp có rủi ro cao.
  7. Phòng tránh vi phạm bất kỳ quy định nào về thuế và kế toán, đảm bảo mọi giao dịch và tài chính của công ty đều rõ ràng, minh bạch.

3 bước xử lý để mở lại mã số thuế đã bị khóa

Khi bị khóa mã số thuế, việc đầu tiên bạn cần tìm hiểu là lý do tại sao doanh nghiệp của mình lại bị khóa mã sỗ thuế. Sau đó tùy vào từng lý do mà có biện pháp tuân thủ khác nhau. 3 bước sau đây sẽ giúp bạn có cách tiếp cận tổng quát về việc xử lý khi bị khóa mã số thuế:

Bước 1: Liên hệ cơ quan thuế để xác định chính xác các thông tin sau đây:

  • Xác định thời điểm bị khóa mã số thuế
  • Xác định lý do bị khóa mã số thuế, nếu là khóa do không nộp tờ khai thuế thì xác định chính xác các hồ sơ khai thuế bị trễ, nếu là khóa do không nộp tiền thuế đúng hạn thì xác định chính xác số tiền thuế cần nộp.
  • Tìm hiểu xem việc bị khóa mã số thuế có dẫn đến các hệ quả nào khác cần xử lý.

Bước 2: Khắc phục các vi phạm. Tùy thuộc vào loại vi phạm mà xử lý khắc phục tương ứng. Cách khắc phục tổng quát như sau:

  • Chấm dứt vi phạm.
  • Khắc phục hậu quả.
  • Nộp phạt vi phạm hành chính.
  • Bổ sung hồ sơ cho quá trình hoạt động. tiếp tục sau khi được mở mã số thuế.

Bước 3: Sau khi hoàn thành bước 2 và được cơ quan thuế chấp nhận, doanh nghiệp gởi công văn xin khôi phục mã số thuế.