“Thiên đạo bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” — Trời đất vốn vô tình, coi vạn vật như cỏ rơm dùng tế lễ. Nhưng con người thì không thế. Con người sống bằng cảm xúc, và khi đặt cảm xúc vào những điều tưởng chừng khô cứng nhất, như pháp luật, thì luật – nếu đủ tình – cũng sẽ biết đau, biết già, và biết chết.
Luật không chỉ là luật
Pháp luật, với bao người học và hành nghề pháp, vẫn được xem là một hệ thống quy phạm, những nguyên tắc cưỡng chế, rõ ràng, minh định. Người ta học điều luật, viện dẫn điều luật, diễn giải điều luật – như thể nó là một cấu trúc bê tông bất khả lung lay.
Nhưng đến một lúc, người ta nhận ra: Pháp luật không chỉ là thứ để dùng, mà còn là thứ để sống cùng. Và khi sống cùng, ta bắt đầu thấy nó có nhịp tim, có hơi thở, có ánh mắt từng nhìn mình nghiêm khắc mà cũng bao dung.
Pháp luật – nếu đúng là để phục vụ con người – thì không thể mãi giữ dáng hình của một cái máy lạnh lùng. Nó cũng phải thấy những giọt nước mắt, nghe được những điều chưa thành lời, và đôi khi, im lặng để người ta được tha thứ.
Nếu luật có tình…
… thì luật cũng sẽ biết khóc. Cũng như người thẩm phán đứng trước một người mẹ vì không có tiền mà ăn cắp thuốc cho đưa con ốm yếu. Luật hình sự có thể định tội, nhưng trái tim lại bảo: “Nếu mình là mẹ nó thì sao?”
Luật có tình là khi người thẩm phán áp dụng án treo, giảm nhẹ, chọn hình phạt cảnh cáo, dù vẫn giữ nguyên nguyên tắc của luật. Không vì yếu mềm, mà vì biết có những điều đúng không nằm trong sách vở, mà nằm trong sự tử tế.
Luật có tình là khi không trừng trị người sai, mà tìm cách giữ lại phần người tốt trong họ, để xã hội còn có đường mà trở về.
Và nếu luật có tình, thì luật cũng sẽ già đi
Không có điều luật nào là vĩnh cửu. Xã hội đổi thay. Chuẩn mực đổi thay. Đạo đức đổi thay. Công nghệ, giao tiếp, bản chất con người – tất cả đều chuyển dịch. Và nếu pháp luật từng được tạo ra bằng sự thấu cảm, thì luật cũng phải biết mình đã lạc hậu mà rút lui.
Luật già, không phải vì bị bỏ quên, mà vì nó từng sống thật, từng đúng, và giờ đã đến lúc được tiễn đưa bằng sự trân trọng.
Có những điều luật từng là niềm tự hào, như chế độ sở hữu tập thể bất khả xâm phạm, từng bảo vệ trật tự, từng giúp xã hội không rơi vào hỗn loạn. Nhưng rồi xã hội mở cửa. Kinh tế thị trường. Luật nếu cố sống, sẽ thành gánh nặng. Nếu biết chết, sẽ trở thành nền móng cho cái mới đứng lên.
Luật vô tình, “chết” không ai hay
Giống như “vô si cẩu” – con chó rơm dùng trong lễ tế: trước khi tế thì được trang trọng, xong rồi thì bị quẳng ra bãi rác. Pháp luật nếu chỉ là công cụ trị an, nếu chỉ sống bằng quyền lực cưỡng chế, nếu không từng chạm được vào cảm xúc con người – thì khi mất đi, chẳng ai nhớ.
Không có ai làm luật mong điều đó. Nhưng nó vẫn xảy ra.
Những đạo luật viết ra cho có, chẳng ai dùng. Những quy định đẻ ra vì thành tích, không ai áp dụng, hoặc chỉ dùng để triệt hạ khi cần. Những điều khoản được trích dẫn như một nghi lễ, nhưng không ai tin rằng nó bảo vệ được công lý.
Đó là cái chết lạnh, cái chết lặng, cái chết mà không một tấm bia nào được dựng lên.
Và rốt cuộc, luật cũng là người
Pháp luật là thượng tôn nhưng đừng thần thánh hóa luật. Cũng đừng tuyệt đối hóa nó như thứ gì vĩnh cửu. Luật cũng sinh – cũng lão – cũng bệnh – cũng tử. Điều duy nhất khiến luật “sống mãi” không phải là sự tồn tại của văn bản, mà là ký ức xã hội về những điều luật từng cứu người.
Giống như người cha già, luật cần biết lúc nào nên dạy, lúc nào nên im, và lúc nào nên lui về làm ký ức đẹp, để con cái đi tiếp bằng điều luật mới – được viết bằng tinh thần cũ: yêu con người.
Lời kết: Một nhịp tim trong lòng pháp luật
Nếu chúng ta còn tin rằng công lý không phải là thanh gươm, mà là một bàn tay ấm…
Nếu chúng ta còn tin rằng có thể làm luật mà không giết đi sự nhân văn trong nó…
Thì hãy để pháp luật sống như một người bạn, rồi già như một người tử tế, và ra đi như một người từng được yêu thương.
Khi luật có tình, luật cũng sẽ già. Và như thế, nó sống mãi.